Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết trong tháng 4, có 1.071 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết và 851 ca điều trị ngoại trú, giảm hơn 47% so với tháng 3.
Tuy nhiên, tổng số ca bệnh vẫn tăng 230% so với năm 2018. Riêng tại quận 8 trong 2 tháng đầu năm tăng 190 ca mắc bệnh so với cùng kỳ năm ngoái, xử lý 30 ổ dịch.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, 1 trường hợp trẻ em và hai người lớn. Đáng chú ý, các trường hợp này đều nhập viện trễ trong khi bệnh rất nặng.
Bệnh nhi tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Dù tình hình dịch sốt xuất huyết có xu hướng giảm nhưng những ngày vừa qua, những cơn mưa xuất hiện với tần suất liên tục ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam lân cận báo hiệu tình hình thời tiết đang chuyển dần sang mùa mưa.
Đây là thời điểm mà lăng quăng có cơ hội phát triển mạnh, nhất là những nơi môi trường không sạch sẽ, ẩm thấp, nơi tụ nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (người ngồi giữa) trong lần kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM.
Theo cơ quan chức năng, ở các khu nhà ở của người dân, nhất là người lao động nghèo có rất nhiều chai, lọ nhựa, mảnh sành được trữ lâu ngày ngoài vườn, nước mưa ứ đọng nhưng không được xử lý.
Đây chính là nơi thích hợp để muỗi sản sinh, gây ra các điểm nguy cơ trong thời gian tới. Ở một số khu vực thuộc quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh nơi có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ công nhân, người dân thường có thói quen xả rác tại bãi đất trống, các khu nhà nát không ai ở.
Phun thuốc diệt trừ lăng quăng, bọ gậy trong trường học.
Lâu dần những nơi này tụ nước và là môi trường lý tưởng cho lăng quăng, bọ gậy sinh sống. Khi TP.HCM thường xuyên bị ngập cục bộ bởi những cơn mưa lớn thì nguy cơ muỗi có cơ hội sinh trưởng mạnh sẽ ngày càng cao.
Bà Trần Mỹ Linh, Tổ trưởng tổ 9, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết với các trường hợp nhà trống, địa phương sẽ tìm cách liên hệ chủ nhà yêu cầu dọn dẹp vệ sinh. Nếu không liên hệ được, khu phố sẽ cử người đến xử lý những chỗ đọng nước, lu đựng nước.
Phụ huynh thấy con sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày nên đưa đi khám ngay.
Riêng trong năm 2018, Ủy ban nhân dân các phường, xã trên địa bàn đã ban hành 306 quyết định xử phạt các trường hợp vi phạm về vấn đề làm ứ đọng nước gây phát sinh lăng quăng và muỗi. Người dân vi phạm có thể bị phạt đến 2 triệu đồng.
Các bác sĩ cảnh báo khi người bệnh có biểu hiện như sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban... thì cần nhanh chóng đến viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn Bài Viết: afamily.vn/da-co-3-nguoi-tu-vong-vi-sot-xuat-huyet-o-tphcm-thoi-quen-nay-co-the-giet-chet-ban-khi-mua-mua-den-20190512170518769.chn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét